Mưa lũ kinh hoàng, nước vẫn ngập đến nóc nhà gần 40 hộ dân ở Thuận Châu (Sơn La)
Hơn 2 ngày đã qua, nhưng chị Lò Thị Hịa ở bản Phé, xã Tông Cọ, huyện Thuận Châu (Sơn La) vẫn nhớ như in giây phút 3 mẹ con cuống cuồng chạy khỏi “giặc thủy”. Sáng ngày 24/7, chồng chị đi chăn bò trên đồi, 3 mẹ con chị ở nhà thấy nước về, len dần vào sân, rồi đến hiên nhà, nhưng không nghĩ nó sẽ vào sàn nhà, và dâng lên tầng… nên chị và các con không quá vội để đi tránh.
Chị Lò Thị Hịa chia sẻ: “Chỉ một lúc là nước đã ngập hết lên tầng, rồi lên mái nhà không kịp làm gì, không kịp lấy gì. 3 mẹ con tôi chỉ biết trèo lên nóc gọi mãi mới có người đến cứu, tưởng sẽ chết thôi. Rất may có người đến cứu kịp thời, không là không biết sẽ thế nào”.
Bà Lường Thị Hiêng, cùng ở bản Phé ngồi thất thần bên cầu thang nhà người thân, nước mắt lưng tròng cho biết, vợ chồng chị đi làm thuê dưới Bắc Ninh, sáng hôm qua nghe con dâu khóc gọi bảo nhà ngập đến nóc rồi, xe máy, ti vi, tủ lạnh, cùng toàn bộ các vật dụng trong gia đình đều bị ngập nước hết, vợ chồng chị chỉ biết ôm nhau khóc; tối đi xe đêm về, sáng 25/7 về đến bản thì không còn thấy nóc nhà mình đâu trong mênh mông biển nước.
Bà Lường Thị Hiêng nói: “Chỉ biết khóc thôi không biết phải làm thế nào, mong được mọi người giúp đỡ, giờ nhà không có ở, chẳng có gì ăn, sau này cuộc sống không biết thế nào, khổ lắm”.
Ông Lò Minh Huệ, Chủ tịch UBND xã Tông Cọ cho biết, xã có 7 bản thì 3 bản bị thiệt hại nặng, trong đó 115 hộ dân ở 3 bản Phé, Thúm Cáy và bản Cọ bị ngập sâu trong nước. Riêng bản Phé đến tối 25/7 vẫn còn 39 hộ dân nước ngập đến nóc nhà, nhiều hộ thì nhà còn không thấy nóc bởi nơi nước ngập sâu nhất đến chừng 6-7 mét.
“Hiện nay và con nhân đang hết sức khó khăn, bị cô lập và không thể tiếp cận bên ngoài. Trước tình hình như vậy thì xã đã chỉ đạo các ngành, đoàn thể và lực lượng dân quân tự vệ phối hợp giúp đỡ bà con nông dân, trước hết là di chuyển người để đảm bảo an toàn. Hai nữa là di chuyển các tài sản của bà con ra khỏi vùng nguy hiểm” – Ông Huệ nói.
Thống kê trong toàn huyện Thuận Châu, tính đến chiều ngày 25/7, mưa lũ những ngày qua đã làm 1 người chết, 2 người mất tích, 4 người bị thương tại các xã Bản Lầm, Chiềng Bôm, Nậm Lầu, Thôm Mòn; 277 căn nhà bị đất đá sạt vào nhà, ngập nước và lũ cuốn trôi; hơn 620 ha lúa, hoa màu và cây cối bị vùi lấp và nước lũ cuốn; hơn 3.200 con gia súc, gia cầm bị cuốn trôi và ngập nước chết. Cộng với các thiệt hại về giao thông, điện… ước tính thiệt hại do mưa lũ gây ra trong đợt này là hơn 6 tỷ đồng.
Ông Hà Trung Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Thuận Châu cho biết, Ban chỉ huy PCTT&TKCN huyện đã chỉ đạo Ban chỉ huy PCTT&TKCN các xã chỉ đạo tổ đội xung kích PCTT, lực lượng công an, quân sự xã và bà con sở tại chung tay giúp đỡ các gia đình bị thiệt hại. Riêng 39 hộ ở Tông Cọ có nhà ở đang ngập sâu dưới nước, huyện, xã đã bố trí các hộ này ở tạm trong gia đình người thân và những hộ không bị thiệt hại trong bản.
Nhằm chung tay giúp đỡ bà con vùng lũ sớm ổn định cuộc sống trước mắt, nhiều tổ chức, cá nhân hảo tâm đã mang mì tôm, gạo, nước uống và tiền mặt đến ủng hộ, hỗ trợ. Chiều ngày 25/7, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Sơn La cũng đã đến thăm, tặng 60 suất quà cho 60 hộ gia đình có nhà ở bị ngập hoàn toàn tại các bản: Phé, Cọ, Thúm Cáy, xã Tông Cọ, huyện Thuận Châu, với tổng trị giá 90 triệu đồng.
Bà Cầm Thị Chuyên, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Sơn La cho biết: “Chúng tôi đặc biệt quan tâm đến cái mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu cho bà con như gạo, mì, tôm rồi các khác hỗ trợ mỗi hộ gia đình bị ngập lụt tại đây là 1.000.000 đồng để con trang trải cuộc sống trước mắt, sau đó thì chúng tôi đã có kế hoạch rà soát lại toàn bộ các hộ bị ảnh hưởng sẽ kêu gọi các nguồn lực trong xã hội tiếp tục hỗ trợ bà con về phát triển sinh kế, ổn định cuộc sống sau này”.
Kể từ khi nước dâng ngập sáng 24/7, tại Thuận Châu và một số địa phương trong tỉnh Sơn La thỉnh thoảng vẫn có các đợt mưa, nên vùng ngập tại bản Phé và các bản ở Tông Cọ dự kiến phải từ 3 đến 5 ngày tới, nước mới rút hết; đồng nghĩa với việc hàng chục hộ dân ở đây phải đối mặt với muôn vàn khó khăn khi không có nhà ở. Ngoài sự hỗ trợ, ủng hộ của cấp ủy, chính quyền địa phương và người dân sở tại, bà con vùng lũ mong muốn sự chung tay giúp đỡ nhiều hơn nữa từ các tổ chức, cá nhân hảo tâm trong và ngoài tỉnh, giúp họ vượt qua khó khăn, sớm ổn định cuộc sống trước mắt và lâu dài.